May 16, 2014

Khi đất nước lâm nguy

Khi đất nước lâm nguy thì đòi hỏi rất cao ở trách nhiệm với mỗi công dân. Trách nhiệm đó không chỉ khi đứng trong đội ngũ có người chỉ huy lãnh đạo mà ngay cả khi mỗi người dân chỉ là một thành tố tự do trong những cuộc biểu lộ thái độ có tính tự phát.
 
Ngẫm lại những ngày ở nước Đức trong những năm 1989 và 1990, nhìn vào dân tộc họ khi ấy tôi suy nghĩ rất nhiều. Nhà máy của tôi làm khi đó có tên là Microelechstonichstahnsdord. Đây là một nhà máy quốc doanh chuyên sản xuất vi điện tử xuất khẩu cho nhiều nước. Do làm bóng bán dẫn và vi mạch nên có phân xưởng giữ nguyên vật liệu rất quý như phân xưởng mạ vàng chân các bóng bán dẫn và vi mạch. Nước Đức những năm đó tình hình rất căng thẳng, khắp nơi biểu tình và có lúc bị đe dọa bởi một cuộc chiến có thể nổ ra giữa Đông và Tây.

Rồi nước Đức thống nhất để sau đó nhà máy giải tán dần từng bộ phận và đi tới chỗ bán toàn bộ cho một tập đoàn Ấn Độ. Là đội trưởng đội Việt Nam, tôi thường phải đi giao ban một tuần hai lần với toàn thể ban lãnh đạo của nhà máy nên nắm rất chắc tình hình của nhà máy. Không khí xã hội khi ấy rất phức tạp, nhưng trong thành phố tôi ở và đặc biệt khu nhà máy tôi mọi hoạt động vẫn rất bình thường. Kể cả khi từng phân xưởng giải tán rồi tới tận khi nhà máy được bán đi, nhà máy không mất cắp bất cứ một tài sản nào. Việc quản lý rất chặt chẽ, nhưng nhà máy rất rộng, ba phía rừng và ruộng lúa mì bao bọc nên nếu ai có hành vi muốn lấy cắp thì không phải là không thực hiện được.

Tôi đã hỏi nhiều công nhân quen biết và đặc biệt anh bạn thân Lotar, bảo vệ trưởng của nhà máy, vì sao các bạn lại làm được như thế, khi tài sản hôm qua thuộc nhà máy của DDR (Cộng hòa Dân chủ Đức), hôm sau thuộc về BRD (Cộng hòa liên bang Đức) thì đều nhận được câu hỏi chung là: Chúng tôi là một dân tộc! Quá trình sống với người Đức tôi càng yêu mến và hiểu họ, mặc dù thể chế có thể thay đổi, nhưng hầu như tất cả công nhân Đức, ai cũng đều ý thức rõ là, tài sản của nhà máy là của nhà máy, là của nhân dân Đức nói chung, nó là cái bất khả xâm phạm.

Trong cuộc biến động chính trị đầy âu lo về sự bất ổn ấy, nhà máy không mất đi một viên gạch, một phân vàng, sau bán trọn vẹn lấy tiền cho công quỹ quốc gia chính nhờ sự giác ngộ có tính công dân của từng người dân người Đức, đặc biệt là đội ngũ công nhân trong nhà máy của chúng tôi làm việc.
Việc thứ hai tôi được chứng kiến là mùa đông năm 1989 tình hình rất phức tạp, nhất là trong thành phố lớn như ở thủ đô Berlin. Bấy giờ quanh thủ đô có rất nhiều trại lính của quân đội Nga chiếm đóng theo Hiệp ước Potsdam sau đại chiến II. Ở Đức bấy giờ cũng xuất hiện nhiều nhóm thanh niên đầu trọc theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, sẵn sàng gây hấn, sẵn sàng đập phá và nổi loạn. Những người Đức đa số cũng không thích sự chiếm đóng của quân đội nước ngoài như Pháp, Mỹ và Nga trên nước họ. Đây rất dễ là mảnh đất tốt nảy sinh những hành vi phá hoại của những nhóm phát xít trẻ.

Sát Noel, trời rất lạnh, 25 âm độ về đêm. Chúng tôi lên Berlin phải dứt khoát qua ga tầu Schoennefeld. Khi đó đã là nửa đêm, ga tàu không một bóng cảnh sát. Tôi từ đường hầm lên sân ga nổi bỗng nghe tiếng la ó ầm ầm. Tôi vọt lên sân ga, thấy một tốp đông thanh niên đầu trọc khoảng 50 người, đang la hét, huýt sáo om sòm. Nhiều thanh niên Đức tầm 16, 17 tay mang theo gậy bóng chầy. Họ đang vây quanh bốn người lính Nga trên sân ga nổi. Những lính Nga cũng đang chờ ôtô như tôi đi về doanh trại của họ ở Teltow hay doanh trại nào ở Postdam. Hôm nay là ngày Chủ nhật và họ được phép đi chơi. Đám đông vẫn la hét quanh bốn lính Nga. Chúng nhổ bọt, làm nhiều động tác khả ố mà người châu Âu coi là sự nhục mạ ghê gớm, như chọc ngón cái chỉ xuống đất hay giơ ngón giữa chọc về phía lính Nga và hét to lên những câu nhục mạ. Tôi nín thở quan sát.

Nhưng những người lính Nga vẫn điềm tĩnh. Trong tay không một tấc vũ khí, tới dây nịt da to bản họ cũng không thèm cởi ra để tự vệ mà đứng áp lưng vào nhau như một vòng thành trì nhỏ. Chừng chục phút khiêu khích vô ích, cũng đúng khi ấy có một chuyến Sbahn về, đổ ra sân ga nhiều người Đức xuống tàu, những người Đức đầu không trọc và họ quây lấy những người Nga im lặng như một vòng tròn bảo vệ những người lính đang bị khiêu khích. Tôi len vào đứng bên những người Đức, cạnh những người lính Nga hiền lành mà im lặng sừng sững tựa như những bức tượng sống. Không có sự kiện đáng tiếc nào xảy ra cả.
Sau đó, có thể ai gọi điện, một tốp cảnh sát Đông Đức và quân nhân tuần tra quân đội Nga tới. Tốp người Đức đầu trọc không la ó nữa và kéo lên một chuyến tàu đi về Berlin. Tôi đi cùng bốn anh lính Nga lên ôtô về Teltow. Bao nhiêu năm rồi, trong tai tôi vẫn nghe rõ tiếng gõ gót giầy rất đều xuống sàn nhà ga đêm ấy của tốp lính Nga. Tiếng gõ giày như nhịp tiếng bát trầm, âm thanh rất buồn vang trong đêm vắng, trên sân ga đầy tuyết lạnh, nhưng gắn kết một nhịp, thành một sự thống nhất trong sự bình tĩnh của những người lính Nga.
Sau này đọc nhiều tài liệu, lại quen thân một bác sĩ trong quân đội Nga ở thị xã Stahnsdorf, tôi được biết, lính Nga được xác định rất rõ, tính kỷ luật để giữ sao không mắc mưu những hành vi quá khích, nếu xảy ra ở đường phố, bên doanh trại, nhất là những trạm nhỏ, từ phía người Đức trẻ, nhằm bảo vệ quan hệ hai quốc gia ổn thỏa, dành quyền ngoại giao cho các nhà nước, dẫn tới sau này những thỏa ước để người Nga, người Mỹ và Pháp rút về nước. Rõ ràng tốp lính Nga kia dù không có sĩ quan chỉ huy vẫn có tính kỷ luật rất cao.
Nước Đức năm ấy đã trải qua một biến động chính trị rất lớn, nó trở thành một quốc gia thống nhất và mạnh tới hôm nay, lại tránh cho toàn thế giới một cuộc đối đầu nguy niểm, là có sự đóng góp xây dựng chính ở tinh thần công dân Đức rất hiểu biết, rất trọng kỷ luật. Những người lính Nga cũng như thế, họ là những người lính có kỷ luật.

Tôi đã ở quân đội 11 năm, thực sự thấy quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội từ nhân dân mà ra và rất có kỷ luật. Chính điều đó làm nên sức mạnh của đội quân mà làm nên chiến thắng được những kẻ địch thường chiếm ưu thế về hỏa lực.

Tình hình đất nước những ngày qua đang sôi lên vì nhà nước Trung Quốc đặt giàn khoan lên biển Đông của nước ta. Nhân dân ta ở khắp nơi đã thể hiện lòng yêu nước, tự tổ chức những cuộc biểu tình ở nhiều nơi để tỏ rõ thái độ của mình, phản đối việc nhà nước Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của nước Việt Nam chúng ta. Hơn lúc nào hết, đất nước cần trách nhiệm công dân, sự hiểu biết của mỗi công dân trong trách nhiệm với đất nước, là tinh thần kỷ luật cao như những chiến sĩ ngoài mặt trận, là ôn hòa đấu tranh, giữ đúng một thái độ: Không khoan nhượng với hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông với giàn khoan Hải Dương 981, nhưng không có những hành vi tự phát, thiếu suy nghĩ, dẫn tới các hành vi có tính phá hoại tài sản của các tập đoàn kinh tế (bất luận tập đoàn kinh tế ấy là nước nào, đều nằm trong sự bảo trợ của luật pháp của nước Việt Nam chúng ta), đang đầu tư trong nước ta gây ảnh hưởng không nhỏ về uy tín của nước ta trên trường quốc tế...

Khó có sự tập trung sức mạnh thiếu một sự chỉ đạo thống nhất, nhất là trong tình trạng manh mún và tự phát. Đã đến lúc các cuộc biểu tình cần có kiểm soát, bằng sự kêu gọi, bằng ý kiến, sáng kiến của nhân sĩ trí thức, nhân dân và dựa vào đội ngũ nhân sĩ, trí thức để có chủ trương và sự phối hợp hành động công dân.
Tôi tin rằng, nếu tin dân, lại hiểu được dân, khi có sự tham gia lãnh đạo của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các các cấp chính quyền, nhất là ở từng địa phương xa trung ương, thì nhà nước ta sẽ có sức mạnh dân tộc, mang lại hiệu quả cao cho sự bảo đảm tính ôn hòa, có văn hóa ứng xử trong đấu tranh vì hòa bình và ổn định kinh tế và chính trị của đất nước Việt Nam...

Nguyễn Văn Thọ

No comments:

Post a Comment